Dù chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu phục hồi đáng kể và tình hình được cải thiện sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, nhưng tăng trưởng toàn cầu dự báo sẽ vẫn dưới mức 3% trong năm nay.
Hội nghị mùa Xuân của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) diễn ra trong tuần này với chương trình nghị sự là kế hoạch cải cách và gây quỹ đầy tham vọng có thể bị phủ bóng bởi tình trạng lạm phát tăng cao và căng thẳng địa chính trị gia tăng. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 10/4, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho rằng dù chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu phục hồi đáng kể và tình hình được cải thiện sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, nhưng tăng trưởng toàn cầu dự báo sẽ vẫn dưới mức 3% trong năm nay.

IMF cho rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ duy trì ở mức gần 3% trong 5 năm tới, mức dự báo trong trung hạn thấp nhất kể từ những năm 1990.
Bà Georgieva hồi tuần trước cho biết gần 90% các nền kinh tế phát triển trên thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm nay, trong khi các thị trường mới nổi ở châu Á dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng đáng kể, trong đó Ấn Độ và Trung Quốc được cho là chiếm 50% tổng mức tăng trưởng.
Các quốc gia thu nhập thấp dự kiến sẽ phải hứng chịu cú sốc kép do chi phí đi vay cao hơn và nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của các nước này giảm, điều mà bà Georgieva cho rằng có thể gây ra tình trạng nghèo đói.
Dự kiến, các dự báo tăng trưởng cập nhật trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF công bố ngày 11/4 sẽ cung cấp cái nhìn rộng hơn về những thách thức tài chính đối với kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày 10/4, Chủ tịch WB David Malpass cho rằng WB – vốn đánh giá bức tranh kinh tế ảm đảm hơn so với IMF, đã tăng nhẹ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay từ mức 1,7% đưa ra trong tháng Một lên 2% với lý do là nhờ việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế.