Bitcoin (BTC) vào tối muộn ngày 19/03 đã lần đầu tiên kể từ đầu tháng 06/2022 trở lại cột mốc 28.000 USD, tạm thời lập đỉnh ở 28.3469 USD.
Chưa dừng lại ở đó, đồng tiền mã hóa có vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới còn kết thúc tuần giao dịch vừa rồi với mức tăng tận 27,17% – mức tăng theo tuần cao nhất kể từ tháng 02/2018.
Chỉ số BTC.D (thị phần BTC so với vốn hóa toàn thị trường crypto) thì cũng vượt lên trên mốc 46%, cao nhất kể từ giữa năm ngoái, cho thấy đà đi lên hiện tại đến hoàn toàn từ nội lực của Bitcoin, trong khi những altcoin khác thì vẫn chưa thể bắt kịp.

Động lực đi lên ấn tượng của BTC đến từ những bất ổn vĩ mô trong thị trường tài chính Mỹ và thế giới. Hồi giữa tháng 3, đã có đến ba ngân hàng tại Hoa Kỳ là Silvergate Bank, Silicon Valley Bank và Signature Bank sụp đổ một cách chóng vánh, tất cả đều có khách hàng là các công ty crypto. Riêng Silicon Valley Bank là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai lịch sử nước Mỹ với khối tài sản 209 tỷ USD.
Trước tình hình nghiêm trọng, chính quyền Biden đã yêu cầu Bộ Tài chính và Fed can thiệp, đảm bảo người gửi tiền tại Silicon Valley Bank và Signature Bank đều có thể rút tài sản về mà không bị thiệt hại. Đổi lại, Fed đã phải bơm thêm đến 300 tỷ USD vào thị trường tài chính Mỹ trong tuần vừa rồi. Số tiền này bằng một nửa lượng tiền mà Cục Dự trữ Liên bang đã thu hồi trong suốt giai đoạn thắt chặt định lượng và nâng lãi suất của năm 2022, làm dấy lên tin đồn rằng đồng USD sẽ sớm lạm phát trở lại.

Một số báo cáo cho biết có đến 186 ngân hàng tại Mỹ đang có rủi ro sụp đổ tương tự Silicon Valley Bank.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, đây lại là một biện pháp bơm tiền USD khác ra thị trường trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ đang có dấu hiệu lan sang châu Âu, tiếp thêm sức để Bitcoin tăng.
Giá Bitcoin được nhận định sẽ biến động trước quyết định quan trọng của Fed.