G7 đang thảo luận về việc có nên trừng phạt các công ty Trung Quốc, Iran và Triều Tiên đã cung cấp các linh kiện và công nghệ phục vụ mục đích quân sự cho Nga.
Bloomberg dẫn một số nguồn tin thân cận cho biết G7 đang cân nhắc về việc có nên trừng phạt các công ty Trung Quốc, Iran và Triều Tiên đã cung cấp linh kiện và công nghệ phục vụ mục đích quân sự cho Nga.

Mục tiêu của các nước G7 là phối hợp soạn thảo một gói trừng phạt mới trước ngày 24/2, thời điểm đánh dấu một năm cuộc tấn công của Nga vào nước láng giềng Ukraine.
Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng từ chối đưa ra bình luận khi được Bloomberg liên hệ. Hiện, G7 đang nỗ lực làm gián đoạn nguồn cung linh kiện phục vụ mục đích quân sự của Nga từ các nước thứ ba không tham gia các gói trừng phạt sau khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra.
Nguồn tin cho biết G7 đang lo lắng rằng nhiều doanh nghiệp có thể đang giúp Nga lách trừng phạt. Trước đó, Mỹ đã bày tỏ lo ngại với Trung Quốc về các thiết bị phi sát thương mà nước này cung cấp cho Nga.
Ngoại trưởng Anthony Blinken sẽ đề cập đến vấn đề trên trong chuyến đi tới Bắc Kinh sắp tới. Chuyến công du này bị hoãn lại sau vụ khi Mỹ bắn hạ khinh khí cầu nghi là do thám của Trung Quốc.
Hồi cuối tháng 1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning nhấn mạnh: “Trung Quốc sẽ không bao giờ đổ thêm dầu vào lửa, càng không bao giờ lợi dụng cuộc khủng hoảng ở Ukraine”.
Tuy nhiên, mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga là có thật và sẽ tiếp tục phát triển, chính phủ Trung Quốc cho hay trong tháng này sau khi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ma Zhaoxu đến thăm Nga.

Các đồng minh của Ukraine đã trừng phạt các công ty Iran bị cáo buộc cung cấp máy bay không người lái cho Nga và hiện đang cân nhắc mở rộng các biện pháp trước đó.
Một số quốc gia G7 tin rằng doanh nghiệp Trung Quốc đang bán các linh kiện công nghệ, chẳng hạn như vi mạch, nhằm giúp mang lại lợi ích cho Nga về mặt quân sự.
G7 cũng đang nỗ lực trên phương diện ngoại giao để bịt kín các lỗ hổng trong những gói trừng phạt trước. Họ có thể đang nhắm đến các thiết bị có khả năng đi qua những nước như UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ