Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thường cho biết sẽ tập trung vào các giải pháp kiểm soát hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử thời gian tới. Mục tiêu là làm lành mạnh hóa môi trường, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử. Từ đó, phát triển thương mại điện tử một cách bền vững.

Năm 2022, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, quy mô của thị trường thương mại điện từ ước tính đạt 16,4 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2021. Với mức tăng trưởng đáng kinh ngạc này, ta có thể thấy thương mại điện tử đã luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16% đến 30% trong suốt 7 năm qua.
Hiện nay, Việt Nam có 75% người dân sử dụng Internet và có 74.8% người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến. Những loại hàng hóa được người tiêu dùng mua sắm trực tuyến rất đa dạng. Đây là những loại hàng hóa được mua nhiều nhất: quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ công nghệ điện tử, sách, hoa, quà tặng, thực phẩm,… Trong đó, 91% người dùng sử dụng điện thoại di động để làm phương tiện phục vụ cho việc đặt hàng trực tuyến.
74.8% người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến
Vào năm 2025, mức tăng trưởng của thương mại điện tử tại Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục bùng nổ và cán mốc 39 tỷ USD. Quy mô thị trường này đứng thứ 2 sau Indonesia (104 tỷ USD) và ngang bằng với Singapore.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, các sàn thương mại điện tử còn tồn đọng nhiều tiêu cực. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thực trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và hành vi gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử diễn ra rất phức tạp.
Các thủ đoạn và phương thức gian lận của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có cửa hàng, kho hàng. Có những đối tượng chỉ tiếp nhận đặt hàng online, phân tán hàng hóa nhiều nơi và chỉ giao hàng với số lượng ít, nhỏ lẻ nên rất khó để xác định kho. Nhiều đối tượng chỉ bán hàng qua các cộng tác viên trung gian. Có khi trên website, fanpage đăng rất nhiều sản phẩm, nhưng thực tế học chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua các đơn vị khác chỉ để làm trung gian kiếm lời.
Điều đáng nói là các website hay trang mạng xã hội này được tạo dễ dàng và khóa lại trong một khoảng thời gian ngắn khiến lực lượng chức năng khó nắm bắt và kiểm soát.
Những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử gồm kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; không thực hiện thủ tục khai báo, đăng ký website thương mại điện tử; giả mạo logo đăng ký với Bộ Công Thương; lừa đảo khách hàng, mạo danh doanh nghiệp khác… Với mục đích làm lành mạnh hóa môi trường thương mại điện tử, trong thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tập trung kiểm tra, sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin và có dấu hiệu kinh doanh phạm pháp.

Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Các hoạt động thương mại có yếu tố nước ngoài sẽ được tăng cường quản lý. Cục sẽ tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế, nhằm quản lý hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử tốt hơn.
Ngoài ra, việc tăng cường cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp cũng được chú ý đầu tư hơn.
Trong năm mới 2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục hoàn thiện và trình phê duyệt các đề án Chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong thương mại điện tử. Các hoạt động này đều nhằm mục đích phát triển thương mại điện tử một cách bền vững.